Vắt qua 2 đời Luật Đất đai, dự án Palm Manor của GP.Invest 10 năm chưa xong GPMB

   (VNF) – Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) Nguyễn Quốc Hiệp cho biết dự án Palm Manor ở Việt Trì – Phú Thọ của đơn vị này đã mất 11 năm mà vẫn chưa xong công tác giải phóng mặt bằng, do vướng mắc các quy định của pháp luật.

   Vắt qua 2 đời Luật Đất đai, dự án Palm Manor của GP.Invest 10 năm chưa xong GPMB

   Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, dự án Palm Manor có diện tích giai đoạn 1 là 28ha, tổng mức đầu tư khoảng 3.270 tỷ. Dự án được phê duyệt quy hoạch năm 2012 và phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 2/2013 với quy mô cả hai giai đoạn là 58,5ha.

   Tại thời điểm đó, dự án được Bộ Tài Nguyên Môi Trường chấp thuận cho thực hiện công tác giải phóng mặt theo hình thức nhà nước thu hồi đất bàn giao cho chủ đầu tư. Giá đền bù được xác lập từ năm 2013 và cố định cho đến hiện nay. Chính vì vậy, quá trình đền bù giải phóng mặt bằng đã gặp nhiều trở ngại, do có sự so kè giữa người nhận trước và nhận sau.

   GP.Invest rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: nếu đền bù theo mặt bằng giá mới thì người nhận trước lại đòi bổ sung, còn nếu tự thoả thuận về giá lại vi phạm quy định về dự án nhà nước thu hồi.  Mặt khác, người dân cũng không đồng thuận khi công ty đưa ra giá đền bù theo quy định.

   Tới tận tháng 8/2022 vừa qua, chính quyền địa phương mới tổ chức cưỡng chế bảo vệ thi công cho chủ đầu tư đợt 1 được 7,2ha. Phần còn lại của dự án vẫn đang chờ cách tháo gỡ về giá đền bù.

   Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, vướng mắc của công tác giải phóng mặt bằng tại dự án là do cơ chế đền bù quy định ở giai đoạn trước khi có Luật Đất đai 2013.

   “Đây là khó khăn kéo dài làm phát sinh nhiều chi phí và thời gian của chủ đầu tư, rất mong Thủ tướng và Tổ công tác Chính phủ có biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp để dự án có thể triển khai dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng 28ha trong năm nay”, ông Hiệp nêu kiến nghị tại hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

   Ngoài dự án Palm Manor ở Việt Trì, hiện GP.Invest đang chuẩn bị một loạt dự án khác: 1 dự án toà văn phòng ở Xuân Phương, Từ Liêm Hà Nội; 3 dự án khu đô thị Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Yên và 1 dự án nhà ở tại TP. HCM, 1 dự án cụm công nghiệp ở Hải Dương. Như vậy tạm tính tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng, trong đó, GP.Invest dự kiến vay tín dụng ngân hàng khoảng 8.000 tỷ đồng.

   Trong hoàn cảnh đó, Chủ tịch GP.Invest đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép công ty sử dụng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án xin vay làm tài sản đảm bảo nếu phương án có hiệu quả mà không phải sử dụng tài sản đảm bảo độc lập khác.

   Đồng thời, ông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể tuỳ thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200%.

   “Chúng tôi đề nghị về chính sách tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cần có ‘dự lệnh’ trước khi ra ‘động lệnh’ để tránh những khó khăn đột ngột cho doanh nghiệp. Và về tổng thể, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp chỉ đạo để hạ lãi suất sớm nhất, vVì chỉ số CPI cũng như giá trị đồng Việt Nam so với ngoại tệ đều ổn định”, ông Hiệp nêu quan điểm.

Lê Nguyễn

vietnamfinance.vn