“Bệnh trầm kha” đang chờ “thuốc giải”

   Nợ đọng là vấn đề nhức nhối trong ngành xây dựng từ nhiều năm nay, ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền cũng như sự sống còn của doanh nghiệp. Mặc dù vấn đề đã được xới xáo nhiều lần song vẫn chưa có “thuốc đặc trị”.

   Vốn chủ sở hữu 800 tỷ đồng, nợ đọng 1.500 tỷ đồng

   Tại cuộc họp báo ngày 10.8, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, khảo sát hơn 2.000 doanh nghiệp xây dựng trên cả nước cho thấy, doanh nghiệp có quy mô khoảng 100 tỷ đồng chiếm 90%; doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 tỷ đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

   Thực tế, có những doanh nghiệp xây dựng dù quy mô vốn đăng ký 100 tỷ đồng nhưng dòng tiền lưu động lại ít hơn. Với đặc thù quy mô vốn nhỏ, các công ty xây dựng (nhà thầu) chủ yếu sử dụng vốn tín dụng ngân hàng để triển khai dự án. Dòng tiền của nhà thầu chủ yếu trông chờ vào tiền mặt, trong khi đó, nợ đọng xây dựng hiện rất lớn. “100% doanh nghiệp xây dựng đều có nợ đọng, tùy quy mô, ít thì 30 – 50 tỷ đồng. Số nợ trên 1.000 tỷ đồng vô cùng nhiều”, ông Hiệp xác nhận.

   Chủ tịch VACC dẫn chứng: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn vốn chủ sở hữu đăng ký 800 tỷ đồng nhưng tính đến 31.3.2022, tổng số nợ phải thu lên tới 1.539 tỷ đồng, trong đó công nợ các công trình chủ đầu tư là đơn vị quản lý vốn nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng, còn lại là nợ của doanh nghiệp tư nhân; số nợ từ 1 – 3 năm là 505 tỷ đồng, nợ từ 3 – 5 năm là 539 tỷ đồng, nợ trên 5 năm là 149 tỷ đồng. Hay với Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), vốn chủ sở hữu chỉ mấy trăm tỷ đồng nhưng cũng đang bị nợ 1.900 tỷ đồng; Tổng công ty 319 bị nợ gần 2.000 tỷ đồng…

   Trong bối cảnh dư nợ lớn, các doanh nghiệp xây dựng phải vay tiền ngân hàng để tiếp tục thi công, lãi vay khoảng 90%/năm. “Vốn bị nợ gấp đôi vốn doanh nghiệp hiện có, mà lãi vay tới 90% thì làm bao nhiêu cho xuể để bù lại? Hiện, các doanh nghiệp xây dựng đang nợ chồng nợ. Doanh nghiệp rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: không làm thì chậm tiến độ, mà làm thì công nợ chịu lãi vay ngân hàng”, ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ.

   Công khai “danh sách đen” chủ đầu tư nợ đọng

   Theo đại diện doanh nghiệp, nguyên nhân chính khiến nợ đọng xây dựng đối với đầu tư công là do thủ tục thanh quyết toán thường rất phức tạp, đặc biệt là dự án có khối lượng phát sinh vì phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thường mất nhiều thời gian.

   Đối với dự án có vốn ngoài ngân sách, nhiều chủ đầu tư do năng lực kém nên phải vay mượn tiền để triển khai, đến khi không thể vay mượn thì không có tiền trả cho nhà thầu. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư chây ỳ không trả, hoặc trả nhà thầu bằng sản phẩm. Việc trả bằng sản phẩm khiến các doanh nghiệp xây dựng phải xoay xở để bán đi, vì họ không được cấp phép hoạt động lĩnh vực kinh doanh bất động sản nên không có kinh nghiệm, song điều này vẫn hơn là “không có gì”, đại diện doanh nghiệp phát biểu.

   Mặc dù bị nợ đọng lớn, kéo dài trong nhiều năm, ảnh hưởng đến dòng tiền, thậm chí là sự sống còn của doanh nghiệp song rất nhiều doanh nghiệp xây dựng có tâm lý ngại kiện. Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vốn có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng song đại diện doanh nghiệp xác nhận, “thương lượng, hòa giải là phương án được ưu tiên áp dụng; khởi kiện là phương án cuối cùng, bất đắc dĩ để xử lý công nợ tồn đọng”. 

   Lý giải nguyên nhân, đại diện doanh nghiệp cho rằng nếu kiện không chỉ chủ đầu tư mà chính nhà thầu cũng chịu sự nghi ngại của đối tác cho những dự án sau này. Do đó, việc xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, có chế tài như chủ đầu tư chậm thanh toán mà không có lý do thì phải bị phạt lãi vay ngân hàng là phương án cần được cơ quan quản lý nhà nước xem xét.

   Thừa nhận nợ đọng là căn bệnh kinh niên, trầm kha của ngành xây dựng, đại diện VACC đề xuất, đối với vốn ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cần rà soát lại toàn bộ việc nợ đọng xây dựng hiện nay để có biện pháp xử lý dứt điểm. “Chính phủ có thể cấp một khoản kinh phí để giải quyết vấn đề này”. Đối với vốn ngoài ngân sách, nên có cơ chế hợp đồng là 20% cuối cùng của chủ đầu tư buộc phải có bảo lãnh thanh toán.

   Giải pháp quan trọng nữa là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương công khai danh sách các chủ đầu tư nợ đọng xây dựng. Điều này sẽ khiến các chủ đầu tư phải nghiêm túc hơn nếu muốn đầu tư tiếp.

   “Hôm nay, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, đại diện cho các nhà thầu xây dựng, tôi sẽ nêu vấn đề nợ đọng xây dựng. Dự kiến ngày 18.8 tới, chúng tôi cũng sẽ tổ chức hội thảo về chủ đề này với sự tham gia của các bộ liên quan để cùng tìm giải pháp xử lý dứt điểm”, Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ.

 

Đan Thanh (daibieunhandan.vn)