KHÔNG GIẢI QUYẾT ĐƯỢC NỢ ĐỌNG VIỆT NAM SẼ KHÔNG CÒN NHÀ THẦU XÂY DỰNG.
Trao đổi với Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Nguyễn Quốc Hiệp. Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), than phiền rằng tình trạng liên tục bị nợ đọng, khó thu hồi nợ khiến các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa đứng trước nguy co phá sản.
Sau hơn 2 năm điêu đứng bởi đại dịch, ông thấy sức khoẻ của các nhà thầu xây dựng Việt Nam hiện nay thế nào?
Sau hơ̛n 2 nă̆m dịch Covid-19, tuy vẫn còn rất nhiều khó khă̆n nhưng các doanh nghiệ̂p ngành xâ̂y dựng đã cố gắng khắc phục để triển khai sản xuất kinh doanh góp phần sớm phục hồi phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, quy mô của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam rất nhỏ, khoảng 90% doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng chỉ phổ biến từ 500-1.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ đồng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Hơn nữa, khi thực hiện các hợp đồng xây dựng, phần lớn nhà thầu chỉ được tạm ứng 10-15% giá trị hợp đồng nên khi triển khai thực hiện phải sử dụng vốn vay ngân hàng để mua vật tư, huy động xe máy, nhân công…, nhất là trong bối cảnh hiện nay tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng bị hạn chế và mặt bằng lãi suất còn cao thì doanh nghiệp xây dựng càng khó khăn.
Trong khi đó, nợ đọng không thanh toán được khá phổ biến ở tất cả các doanh nghiệp, các tổng công ty, tập đoàn xây dựng. Hầu hết đều có nợ đọng từ vài trăm đến vài nghìn tỷ. Vốn hẹp, phải vay ngân hàng để trang trải thi công với lãi suất thông thường khoảng 9-10%/năm nên có những tập đoàn một quý năm 2022 đạt doanh thu đến 3.000 tỷ nhưng hiệu quả chỉ xấp xỉ 10 tỷ đồng (do bị nợ đọng và phải trả lãi ngân hàng).
Có thể nói, nợ đọng xây dựng là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua và cũng là nguyên nhân làm bào mòn sức khoẻ của nhà thầu xây dựng Việt. Nếu tình hình này không được giải quyết thì 5-6 năm nữa, Việt Nam sẽ không còn nhà thầu xây dựng.
Nợ đọng xây dựng thường diễn ra ở những công trình nào, thưa ông?
Nợ đọng xây dựng diễn ra ở cả các công trình vốn đầu tư công và công trình có vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Với nợ đọng tại các công trình có vốn ngoài ngân sách thì thường do chủ đầu tư năng lực kém không có đủ năng lực tài chính nên vay mượn không được, phát hành trái phiếu không được, không bán được hàng (đối tượng này chiếm 20-30%). Ngoài ra, còn do một số chủ đầu tư chây ì, cố tình không thanh quyết toán, đặc biệt ở 25% cuối của dự án mặc dù đã đưa vào khai thác sử dụng. Ví như Artemit đã bán hết nhà nhưng không thanh toán cho Delta…
Còn với các công trình có vốn đầu tư công, các khoản nợ chủ yếu từ các công trình đã kết thúc 2-3 năm trước nhưng chưa quyết toán và thanh toán được do có phát sinh hoặc do hồ sơ thanh toán chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên vẫn còn tồn đọng. Khi khối lượng phát sinh vượt quá giá trị dự toán gói thầu ban đầu (dù không phải lỗi do nhà thầu) thì vấn đề điều chỉnh dự toán của gói thầu phải là cấp có thẩm quyền phê duyệt chứ chủ đầu tư không giải quyết được nên dẫn đến nợ đọng.
Chờ giải quyết được thì vô cùng lâu. Vì năm nay vốn đầu tư công chỉ được bố trí bằng đó, phải đợi sang năm, năm nữa… Mà năm sau nguồn vốn lại được bố trí thấp hơn… nên không đủ thanh toán nợ. Nhiều công trình nợ tới hàng chục năm, qua nhiều nhiệm kỳ của lãnh đạo công ty cũng như lãnh đạo quản lý Nhà nước. Ví như Licogi bị nợ ở dự án nhà ga T1 mấy chục tỷ, mấy đời giám đốc chưa giải quyết được…
Với những khó khăn như ông vừa nói thì liệu các nhà thầu có khả năng đòi được nợ ở những công trình này không?
Với các công trình ngoài ngân sách, bất đắc dĩ đã có một số nhà thầu phải kiện chủ đầu tư ra toà nhưng cũng còn nhiều dùng dằng chưa giải quyết được dứt điểm.
Còn với các công trình có vốn ngân sách, có đòi được hay không còn phụ thuộc vào trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các đơn vị nhà nước. Thực tế thì khi có Luật Đầu tư công, các địa phương, đơn vị Nhà nước phải xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn thay vì hàng năm như trước. Mà theo nguyên tắc thì không thể lấy vốn trung hạn để bố trí trả các khoản nợ trước đây được.
Ngoài ra, muốn hồi tố cũng phải theo cơ chế thời kỳ đó, nhưng nhiều cơ quan áp dụng cơ chế bây giờ nên không giải quyết được. Bởi vậy, có thể nói các khoản nợ đó vẫn sẽ tiếp tục là “nợ treo”.
Để khắc phục tình trạng này, giải pháp lúc này là gì? Với vai trò Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, các ông đã đề xuất giải pháp nào?
Hiệp hội đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính rà soát lại các chủ đầu tư vốn ngân sách để thống kê chính xác số lượng nợ tồn xây dựng trong các năm trước, báo cáo Thủ tướng phương án cắt hết các nợ dồn toa để giải quyết dứt điểm cho các nhà thầu.
Đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng nghiên cứu chế tài yêu cầu chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng cho 20% vốn thanh toán cuối dự án, khi dự án kết thúc để đảm bảo sự bình đẳng cho các nhà thầu với chủ đầu tư. Trước mắt, có chế tài cụ thể để cơ quan chức năng giải quyết cho các khoản nợ đọng kể cả biện pháp công bố tình trạng chây ì thanh toán của một số chủ đầu tư; nghiên cứu xem xét mô hình hợp đồng cho từng loại hình đầu tư trong đó ở loại hình đầu tư ngoài ngân sách cần có cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư ở 20% cuối cùng. Bên cạnh đó, xem xét điều chỉnh các loại hình hợp đồng phù hợp với thông lệ quốc tế (FIDIC) cụ thể dạng hợp đồng trọn gói chỉ được áp dụng khi các yếu tố đầu vào được xác định rõ ràng cộng với tiến độ chỉ thực hiện trong vòng 24 tháng.
Về cơ chế thanh quyết toán, cần có chế tài bình đẳng giữa các chủ thể hợp đồng, đặc biệt cần quy định rõ cơ chế xử lý các khối lượng phát sinh trong hợp đồng (nhất là với đầu tư công về quyền hạn phê duyệt của chủ đầu tư để được thanh toán); đối với các khoản chậm trả do lỗi của chủ đầu tư cần có chế tài phạt theo lãi suất ngân hàng thương mại áp dụng.
Chúng tôi cũng đã đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng cùng với các hiệp hội doanh nghiệp nghiên cứu bổ sung, thay đổi hệ thống định mức đơn giá theo lộ trình: trước mắt, bổ sung các định mức chưa có và điều chỉnh từng bước cập nhật với công nghệ xây dựng mới đồng thời chuyển hướng dần theo hướng xây dựng đơn giá tổng hợp để lập tổng mức đầu tư cho các dự án, bỏ dần hệ thống định mức chi tiết; có chế tài với các địa phương trong việc công bố các chỉ số giá vật liệu không cập nhật với giá thị trường…
Tôi hy vọng với sự quan tâm sát sao của Chính phủ, các bộ ngành, thì những khó khăn, vướng mắc của các nhà thầu xây dựng sẽ sớm được tháo gỡ, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Theo VnEconomy.vn