Tình trạng nợ đọng trong xây dựng đang rất trầm trọng
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, hiện nay tình trạng nợ đọng trong xây dựng rất trầm trọng. Với tình trạng này không ít doanh nghiệp thầu xây dựng đang rất khó khăn, thậm chí đối mặt với phá sản.
Tình trạng nợ đọng trong xây dựng đang rất trầm trọng
Tình trạng nợ đọng trong xây dựng đến nay rất trầm trọng, khiến đa số các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng gặp khó khăn.
Báo cáo của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho thấy, hiện nay nhiều dự án đã đưa vào khai thác sử dụng vài ba năm nhưng vẫn chưa quyết toán được. Trong khi đó, nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng, chịu lãi suất cao dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài hết công trình này đến công trình khác.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch VACC cho biết, nhiều nhà thầu đang bị nợ gấp mấy lần vốn chủ sở hữu, có những doanh nghiệp bị nợ đến vài nghìn tỉ đồng. Theo ông Hiệp, tình trạng nợ đọng lớn diễn ra cả ở các gói thầu vốn đầu tư công lẫn công trình vốn ngoài ngân sách.
Trước thực trạng này, ngày 18.8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) sẽ tổ chức hội thảo nhằm bàn về các vướng mắc liên quan đến thủ tục, thanh toán, quyết toán, tranh chấp hợp đồng, giải quyết công nợ.
Theo lãnh đạo VACC, rất nhiều khó khăn đến với các nhà thầu xây dựng, nếu không được tháo gỡ kịp thời cộng với việc không có công ăn việc làm, nhiều doanh nghiệp thật sự đang đối mặt với thực trạng sẽ bị phá sản…
Đề cập tới một loạt khó khăn của doanh nghiệp xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, càng làm càng lỗ, nếu tiếp diễn 5 năm nữa Việt Nam sẽ không còn… doanh nghiệp xây dựng.
Theo ông Hiệp, các doanh nghiệp xây dựng phải vay tiền về thi công. Nợ gấp đôi vốn hiện có, mà lãi suất đi vay thì 9-10% thì làm bao nhiêu cho kéo lại được. Rồi lại phải nợ, lấy nợ để trả nợ. “Ráo mồ hôi là hết tiền là câu cửa miệng của tất cả doanh nghiệp làm xây dựng hiện nay”, ông Hiệp nói.
Với các dự án đầu tư công, ông Hiệp cho biết, nợ đọng chủ yếu là do thủ tục thanh quyết toán rất phức tạp, đặc biệt các công trình có khối lượng phát sinh. Nhiều công trình đầu tư công có nợ đọng rất lớn.
Còn với dự án vốn ngoài ngân sách, ông Hiệp cho biết, là do nhiều chủ đầu tư (chiếm 20-30%) năng lực kém về tài chính, vay mượn “tắc”, không có tiền trả cho nhà thầu, không bán được hàng. Một số khác bị nợ đọng là do chủ đầu tư chây ỳ. Còn lại nhiều dự án vô cùng khó khăn.
Trong khi đó nhà thầu vẫn phải thực hiện tiến độ. Bởi theo ông Hiệp, nếu không làm thì bị phạt tiến độ. Còn nếu muốn làm thì phải đi vay, không trả được thì ngân hàng siết nợ.
Để tháo gỡ khó khăn, ông Hiệp cho rằng, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ hiệp hội các công trình vốn ngoài ngân sách với cơ chế bảo lãnh thanh toán với chủ đầu tư.
“Trong điều kiện khi ký hợp đồng với chủ đầu tư hầu như nhà thầu không được bình đẳng, không có cách nào đàm phán với chủ đầu tư nếu như không có quy định của pháp luật. Chính vì vậy, cần có cơ chế về bảo lãnh thanh toán, cơ chế về hợp đồng”, ông Hiệp nói,
Với đầu tư công, ông Hiệp cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát thống kê nợ đọng từ 3- 5 năm để báo cáo Thủ tướng xử lý.
Theo laodong.vn